Để giải quyết dứt điểm nạn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo gây "bức xúc" trong xã hội thời gian qua, Thanh tra Bộ TT&TT kiến nghị ban hành một số chính sách mạnh hơn như quản lý các trò chơi dự đoán trúng thưởng, bình chọn kết quả trên mạng di động, Internet; quản lý giá cước dịch vụ nội dung...
CP cung cấp cả nội dung đồi trụy để tăng doanh thu
Tại cuộc họp báo cáo về việc tổ chức Hội nghị ngăn chặn tin nhắc rác ngày 6/11, trong báo cáo thực trạng cung cấp dịch vụ nội dung, phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, hiện có khoảng 400 công ty cung cấp dịch vụ tin nhắn giải trí (CP) trên mạng di động và cung cấp các nội dung như nhạc chuông, hình ảnh, hình nền, trò chơi, kết quả xổ số... 400 CP này trực tiếp hoặc ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh khác (SubCP) để cùng cung cấp dịch vụ. Qua thanh tra cho thấy, các CP, SubCP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G, có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ. Những hình thức nhắn tin lừa đảo bao gồm: nhắn nội dung hướng dẫn người dùng tải game... để cài đặt vào máy điện thoại nhưng trong quá trình cài đặt, sử dụng thường ngấm ngầm trừ tiền (15.000 đồng) trong tài khoản mà không có bất kì thông tin cảnh báo...; tin nhắn lừa đảo, tặng quà nhắm vào lứa tuổi học trò, học sinh, sinh viên hay những người ở vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết; tin nhắn có nội dung trao giải, trúng thưởng; tin nhắn mạo danh các doanh nghiệp viễn thông di động với mục đích lừa đảo người dùng gọi vào các tổng đài 1900xxxx. "Khi người sử dụng bị mắc lừa do làm theo hướng dẫn của tin nhắn rác, tin nhắn trả về cho người sử dụng lại hướng dẫn gọi các số 1900xxxx dưới danh nghĩa chăm sóc khách hàng, giải đáp thắc mắc khiến người dùng bị mắc lừa rất nhiều lần nếu không cảnh giác", đại diện Thanh tra Bộ nhấn mạnh.
Đặc biệt, đa số CP cho phép SubCP thuê lại hệ thống, đầu số để cung cấp dịch vụ nội dung, các CP không đưa ra các quy định cũng như không có quy trình để kiểm tra nội dung thông tin gửi đi nên đã dẫn đến tình trạng CP, SubCP tự do cung cấp các thông tin, kể cả thông tin nhảm nhí, lừa đảo. Chưa dừng lại ở đó, có tình trạng CP cung cấp cả các truyện đồi trụy nhằm tăng doanh thu như "Cô giáo Thảo", "chuyện ấy..." hoặc tin nhắn có nội dung bói toán, mê tín dị đoan, cung cấp thông tin cờ bạc, lô đề.
Chính vì thế, thời gian qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Trung tâm VNCERT, Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 tiến hành thanh tra hơn 50 CP và xử phạt 1,624 tỷ đồng, tịch thu 761 triệu đồng, đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với 3 doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đa số tin nhắn rác chủ yếu phát sinh từ SIM thuê bao di động trả trước nên việc truy tìm, xác minh các tổ chức, cá nhân đã phát tán tin nhắn rác thông qua thông tin thuê bao còn gặp nhiều khó khăn.
Ăn chia không hợp lý, CP phải phát tán tin nhắn rác...
Cũng theo đại diện Thanh tra Bộ TT&TT, do hiện số thuê bao ảo rất lớn, các doanh nghiệp thông tin di động phải cạnh tranh quyết liệt nhằm duy trì, thu hút thuê bao như giảm giá cước và thường xuyên khuyến mại khi hòa mạng mới hoặc nạp thẻ dẫn tới giá cước giảm. Ví dụ như cước tin nhắn thông thường khoảng 250 đồng/tin nhắn thì ở thời điểm khuyến mại chỉ còn 40 đồng/tin nhắn. Do đó, việc phát tán tin nhắn rác là hình thức quảng cáo có mức chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả nhất so với các hình thức khác vì thông tin đến tận tay người sử dụng. Và các tổ chức, cá nhân đã lựa chọn hình thức phát tán tin nhắn rác để quảng cáo, lừa đảo.
Thanh tra Bộ cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng phát tán tin nhắn rác là do tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp di động, doanh nghiệp viễn thông với CP là không công bằng. Doanh nghiệp thông tin di động chỉ cung cấp hạ tầng, đường truyền trong khi các CP phải bỏ ra chi phí để sản xuất nội dung nhưng doanh nghiệp di động lại được hưởng phần lớn lợi nhuận với tỷ lệ ăn chia lên đến 55% hoặc 79%. "Tỷ lệ ăn chia thấp dẫn đến nhiều CP càng kinh doanh càng bị thua lỗ nên để tồn tại, các doanh nghiệp phải tìm cách phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo", Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định.
Sẽ có cách quản chặt việc cung cấp dịch vụ nội dung
Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ TT&TT cho rằng, Bộ TT&TT cần ban hành Thông tư quy định tài khoản chính (tài khoản 1) điện thoại di động chỉ được dùng để thực hiện các cuộc gọi, nhắn tin thông thường. Việc giao dịch, thanh toán cho dịch vụ nhắn tin giải trí, dịch vụ nội dung chỉ được thực hiện thông qua tài khoản 2. “Để nạp tiền vào tài khoản 2, người dùng có thể sử dụng các thẻ nạp riêng do doanh nghiệp và công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) phát hành hoặc nạp thẻ thông qua điện thoại”, đại diện Thanh tra Bộ cho biết thêm.
Bên cạnh việc tiếp tục tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm việc phát tán tin nhắn rác, Thanh tra Bộ TT&TT dự kiến sẽ tổ chức Hội nghị ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vào ngày 14/11 hoặc 29/11 để có thể quán triệt chỉ đạo các doanh nghiệp CP không được phát tán tin nhắn rác hay tính tiền của người sử dụng khi không được cung cấp dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng; cũng như đề xuất giải pháp ngăn chặn tin nhắn rác, các cơ chế, chính sách nhằm quản lý hiệu quả việc cung cấp dịch vụ nội dung.
Trên cơ sở Hội nghị, Thanh tra Bộ cho rằng, Bộ TT&TT cần xây dựng Thông tư quản lý giá cước, phí đối với dịch vụ nội dung, đồng thời quy định doanh nghiệp di động chỉ được hưởng một mức phí nhất định đối với mỗi tin nhắn, cuộc gọi của người sử dụng gửi/gọi đến đầu số của CP và quy định tính cước cuộc gọi vào các tổng đài 1900xxxx theo blog giống như cuộc gọi thông thường. “Bộ nên sớm quản lý đầu số, xây dựng cơ chế cấp và thu hồi đầu số, không để các doanh nghiệp viễn thông cấp đầu số cho các doanh nghiệp CP như hiện nay”, đại diện Thanh tra Bộ khẳng định.